- Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân
Hộ kinh doanh do một cá nhân thành lập có bản chất là cá nhân kinh doanh, do đó không thể là pháp nhân. Nó khác với công ti trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bởi công ti trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một thực thể tách biệt với chủ sở hữu của nó. Trong khi đó hộ kinh doanh không phải là một thực thể tách biệt với cá nhân thành lập nên nó. Mọi tài sản trong của hộ kinh doanh đều là tài sản của cá nhân tạo lập nó. Cá nhân tạo lập hộ kinh doanh hưởng toàn bộ lợi nhuận (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính và thanh toán theo qui định của pháp luật) và gánh chịu mọi nghĩa vụ. Cá nhân tạo lập hộ kinh doanh có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trong các vụ án liên quan tới hoạt động của hộ kinh doanh.Trường hợp hộ kinh doanh được tạo lập bởi hộ gia đình, thì hộ kinh doanh có bản chất là hộ gia đình kinh doanh. Do đó hộ kinh doanh cũng không phải là pháp nhân. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện nay đổ dồn tất cả quyền lợi và gánh nặng quản trị hộ gia đình vào chủ hộ. Nhưng có một vấn đề cần lưu ý rằng, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 qui định: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” (Điều 56, khoản 1). Từ đó có một câu hỏi đặt ra là hộ gia đình có được xem là một “tổ chức” theo nghĩa của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 hay không để có thể trở thành nguyên đơn hoặc bị đơn trước tòa án, trong khi chắc chắn hộ gia đình không phải là cá nhân theo Bộ luật Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005. Vấn đề có lẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thực tiễn tố tụng. Như vậy liệu có bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa được qui định tại Điều 3 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 hay không? Trong thực tiễn tố tụng chủ hộ kinh doanh, thậm chí một cơ sở sản xuất hay một cửa hàng cũng có thể trở thành nguyên đơn và bị đơn trước tòa án.
Hộ kinh doanh được tạo lập bởi một nhóm người cũng không có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên có vấn đề rắc rối cần lưu ý rằng: người đứng ra đăng ký kinh doanh có được xem là người đại diện đương nhiên cho nhóm tạo lập ra hộ kinh doanh hay không, hay chỉ là người đại diện cho nhóm để đăng ký kinh doanh? Câu trả lời có ý nghĩa quan trọng đối với chế độ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của hộ kinh doanh, vấn đề tư cách tham gia tố tụng và vấn đề quản trị hộ kinh doanh. Câu trả lời phụ thuộc phần nào vào việc giải thích các qui định về thành lập và đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh mà sẽ được nói tới trong một chừng mực nhất định dưới đây. - Hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh qui mô rất nhỏ
Đặc điểm này không xuất phát từ bản chất bên trong của hình thức kinh doanh này mà xuất phát từ các qui định của pháp luật Việt Nam căn cứ vào số lượng lao động được sử dụng trong hộ kinh doanh. Điều này gây tốn kém không thật cần thiết cho người kinh doanh, và có thể trái với ý chí và khả năng kinh doanh của họ. Việc buộc hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên hơn mười lao động phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp có lẽ chưa tính đến đặc trưng của từng ngành nghề kinh doanh. Với một cửa hàng cơm bình dân, số người phục vụ có thể lên tới hàng chục với các công việc như nấu ăn, chạy chợ, phục vụ bàn, vệ sinh, trông xe…Hộ kinh doanh theo Nghị định số 88/2006 NĐ- CP chỉ được tiến hành kinh doanh tại “một địa điểm”. Bản thân cụm từ “một địa điểm” ở đây cũng cần được giải thích. Nếu “một địa điểm” không phải là một địa phương như xã (phường), huyện (quận) hoặc tỉnh (thành phố), thì nó có nghĩa là mỗi hộ kinh doanh chỉ có thể có một cửa hàng hoặc một cơ sở sản xuất đặt tại một địa phương nhất định. Ý thứ hai có lẽ phù hợp hơn qui định tại Điều 38, khoản 1 của Nghị định số 88/2006 NĐ- CP.
Các qui định trên thực chất không cho phép hộ kinh doanh mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh, hay nói cách khác, hạn chế kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh. Như vậy quyền tự do kinh doanh phần nào đó có sự hạn chế. - Chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh không phải là một thực thể độc lập, tách biệt với chủ nhân của nó. Nên về nguyên tắc chủ nhân của hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với khoản nợ của hộ kinh doanh, có nghĩa là chủ nhân của hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình kể cả tài sản không đưa vào kinh doanh. Tuy nhiên theo qui định của pháp luật Việt Nam hiện nay về trách nhiệm của chủ hộ kinh doanh đối với các khoản nợ phát sinh trong quá trình kinh doanh của hộ kinh doanh thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn.
Frequently Asked Questions
Copyright 2017 COLAW; All Rights Reserved.
Leave a Reply
Your email is safe with us.